Sự ra đời chữ Nôm Tày ở Cao Bằng
Trong chương nhân vật lục viết: Một nhà trí thức người Tày tên là Lý Thế Khanh là con nhà gia giáo ở tổng Thượng Bạn, châu Thạch Lâm (nay là các xã: Hồng Việt, Bình Long, Bế Triều, huyện Hòa An); ông sinh năm 1389 được về kinh đô Thăng Long học Hán Văn. Năm 1420, thôi học ông về quê Cao Bằng dạy học 20 năm. Thấy chữ Hán không phù hợp với thổ âm quê mình. Ông sáng tác những bài hát viết bằng chữ Nôm Tày nên được lưu truyền, nhiều người theo học, ông lại sành về âm nhạc với cây đàn tính tẩu êm dịu.
Như vậy, ông Lý Thế Khanh đã cải biên chữ Hán thành chữ Nôm Tày. Đến thời nhà Mạc lên Cao Bằng đóng đô (1592) chữ Nôm Tày được hoàn chỉnh và dùng rộng rãi trong sáng tác thơ ca, trong sổ sách đinh, điền. Nhờ có chữ Nôm Tày đến nay ta còn lưu giữ được nhiều tư liệu cổ về văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, truyền lại đến ngày nay.
Chữ Nôm Tày thịnh hành dưới thời Mạc ở Cao Bằng (1592 - 1677) nổi lên có ông Bế Văn Phụng quê làng Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An), ông đỗ tiến sỹ khóa II, năm Mậu Tuất (1598) ở trường Quốc học Bản Thảnh (xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng). Ông giỏi về khoa chiêm tinh, về thiên văn cổ đại, lý thuyết âm dương, giỏi về lễ nhạc. Ông sáng tác nhiều tác phẩm chữ Nôm Tày theo thể thơ thất thất trường thiên, như: sách “Tam nguyên luận” với 818 câu thơ để luận, đoán thời cuộc mỗi chu kỳ 60 năm; sách “Trung nguyên luận” nói về xã hội suy thoái, nhân dân ly tán, đạo đức suy đồi, người có tài có đức bị dập vùi... Sách “Thượng nguyên luận” nói về cái thiện thắng cái ác. Sách “Giáo nam, giáo nữ” với 450 câu thơ giáo dục trai trẻ có đức có tài để phụng sự đất nước.
Ông cũng là nhà tâm lý học biết vua Mạc Kính Cung đi đánh kinh thành Thăng Long bị bại trận, vua lo buồn mắc bệnh trầm uất. Ông cùng ông Nông Quỳnh Văn tổ chức đội then múa hát cho vua xem, với nhiều làn điệu, như: Cao sơn, Lưu thủy (tàng bốc, tàng nặm), làn điều nhịp nhàng với cây đàn tính êm dịu, chân rung sóc nhạc.
Đây là trích đoạn một bài thơ Nôm Tày của Đoàn Giảng tả hai ông Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Văn chữa bệnh cho vua Mạc:
Phả đàn tể phi ôn pùa Mạc
Nguyên là pùa Mạc Kính Cung vương
Vằn quẹng dự chang khảu chầu hậu cung
Triệu soong quan khảu hậu cung
Au cung nữ múa mừng chúc ch
Bế Phụng lễ tặt pụt Tày
Mừng tối tính kha vây sáu nhạc
Rặp rìu tèo cắm pác ón van
Càng dồm hăn càng van đây tỉnh
Lượn hẩu nhình chang tỉnh đây sao
Tập hẩu Kính Cung chan đin đế đô
Đẩy Kính Cung dồm khua đây quá.
Dịch:
Nguyên là lúc vua Mạc Kính Cung
Ngày vắng ở trong cung buồn rầu
Truyền hai quan vào chầu ở hậu cung
Lấy cung nữ múa mừng chúc chúa
Bế Phụng thì đặt ra bụt Tày
Tay gẩy tính chân rung sóc nhạc
Rập rìu tiếng hát ngọt đưa
Càng xem lâu càng vừa ý thích
Chọn giai nhân trong tỉnh đẹp xinh
Tập thành tạo đưa trình vào tiến
Chầu Kính Cung trong điện đế đô
Được Kính Cung hoan hô khen ngợi.
Thời kỳ năm 1886 - 1945, thực dân Pháp chiếm Cao Bằng. Chúng mở trường dạy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ. Các thầy đồ ở xuôi lên dạy chữ Nho ở trong thôn bản. Nổi lên có nhà thơ Hoàng Đức Hậu dân tộc Tày, ở xã Phúc Tăng, nay là thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Ông sinh ngày 15/10/1890, mất ngày 15/6/1945, thọ 55 tuổi. Ông nhà nghèo được thầy đồ Nguyễn Quang Xuyến dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ tại làng. Tư chất thông minh, thôi học, ông đi dạy học ở các châu trong tỉnh, ở Bắc Kạn, Tuyên Quang rồi lại về làng dạy học.
Vốn chữ Nho đã khá lại có tài làm thơ, đến đâu ông cũng làm thơ, nhiều nhất là thơ Đường luật. Thơ ông phơi bầy hiện thực xã hội cũ, có tính hiện thực, tính nhân văn, thơ ông rực rỡ nhất trong nền văn học các dân tộc ít người với trên 150 bài thơ sưu tầm được, hiện nay nhiều cụ còn thuộc. Thơ ông có nụ cười mỉa mai, châm biến tố cáo tội ác của thực dân Pháp xây nhà tù giam cầm cán bộ cách mạng, ông ví cảnh nhà pha là cảnh phong lưu:
Ăn uống kèn Pháp tí toe thổi
Đái, ỉa thầy quyền hầu rước ra
Nhà ngói, tường trình hùm chẳng sợ
Cổng xây, cửa sắt, giặc nào qua.
Ông tố cáo nạn Pháp bắt dân đi phu làm đường, lại đi vào ngày mùa, bỏ lỡ thời vụ. Phu bị bạc đãi đánh đập lại không được trả công.
Quan bắt phu
Đầu vụ bỏ nhiều đường chợ búa
Mọi người thôi cả việc nhà nông
Cậy quan dễ vét, tiền tùy kiếm
Khiến họ khôn buôn, lãi chẳng xong.
Chữ Nôm Tày là di sản văn hóa của tiền nhân để lại vô cùng quý báu mang bản sắc dân tộc đậm đà. Từ khi chữ Quốc ngữ ra đời chữ Nôm Tày mai một chỉ còn lưu trữ ở Viện Hán Nôm và một số các cụ còn biết chữ Nôm Tày. Nay cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản này.